Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tại thị trấn Sông Cầu tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2019".

2019-12-07 09:08:00.0

Toàn cảnh hội nghị

Sáng ngày 6/12, tại thị trấn Sông Cầu, Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2019". Dự Hội nghị có đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Hiệp hội Chè Việt Nam; lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai và Thái Nguyên.

Các đại biểu thăm và thảo luận tại đồi chè tổ 9

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Dự án Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt giai đoạn 2017-2019 do Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên chủ trì và được triển khai tại 6 tỉnh gồm: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai và Hà Tĩnh. Thời gian thực hiện dự án là 3 năm với quy mô diện tích là 600ha chè an toàn với 537 hộ tham gia (Thái Nguyên xây dựng 50ha chè được thực hiện tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên chủ trì, Trung tâm Khuyến nông ký Hợp đồng liên kết xây dựng mô hình với Hợp tác xã chè Thịnh An; triển khai tại các tổ Tân Tiến, Tân Lập, Liên Cơ, 4, 7, 9 và 12. Quy mô của mô hình là 50 ha, 150 hộ nông dân tham gia, các tỉnh còn lại mỗi năm xây dựng 30ha). Mục tiêu của dự án áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất chất lượng, tăng thu nhập của người sản xuất chè trên 20% so với chè sản xuất ngoài mô hình tại địa phương, tiến tới tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đại biểu thảo luận tại hội trường

Đồng chí Nguyễn Quang Chung - Q. Chủ tịch UBND thị trấn phát biểu tại hội nghị

Thực hiện mô hình, người dân tham gia mô hình đã tuân thủ quy trình kỹ thuật của mô hình, như sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh theo quy trình. Chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng và ưu tiên nhóm thuốc sinh học và thảo mộc phun trừ khi đến ngưỡng phòng trừ và đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch chè,.. Các hoạt hoạt động bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch,.. diễn ra trên nương chè đều được ghi chép lại trong sổ nhật ký để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết... Kết quả sau 3 năm thực hiện mô hình, năng suất chè bình quân tại các điểm mô hình đều tăng từ 0,9 tấn- đến 5,5 tấn/ha so với trước khi thực hiện mô hình. Về hiệu quả kinh tế giá bán chè tươi của mô hình tăng hơn so với ngoài mô hình từ 200đ - 5.300 đ/kg, cá biệt tại Thái Nguyên có diện tích chè trong mô hình cao hơn giá chè ngoài mô hình từ 15.000 đ - 25.000 đ/kg. Thu nhập bình quân tăng thêm tại các điểm đều cao hơn yêu cầu của dự án, tăng từ 48,8 - 76,3% (yêu cầu của dự án là 20%). Xây dựng được 1 mô hình liên kết gồm 21 tổ nhóm liên kết và 6 đơn vị liên kết là doanh nghiệp, hợp tác xã.

Có thể thấy Dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, năng suất chè tại các điểm mô hình đều tăng cao, chất lượng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Quan trọng hơn cả là Dự án đã làm thay đổi nếp nghĩ, tư duy sản xuất chè của người trồng chè, thu hút được các lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân tại địa phương.

BTV Minh Huyền TT Sông Cầu

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4083439