Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Chị Vi Phương “7 không”

2024-01-03 15:00:00.0

Kiên trì, sáng tạo cùng niềm đam mê, chị Vi Thị Phương, xóm La Giang, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ đã thành công với mô hình trồng chè đồi theo hướng hữu cơ, từng bước đưa thương hiệu và sản phẩm chè quê hương đến với nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Cổng bằng tre, gỗ, có ghi nội dung cam kết chè Vi Phương “7 không”

Với mục tiêu nâng cao vai trò, quyền lợi chính đáng của phụ nữ trong thời đại 4.0 và thiết thực cụ thể hóa Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, tranh thủ nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, từ năm 2017, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) triển khai Dự án đào tạo "Khởi sự thông minh dành cho phụ nữ". Dự án đã hỗ trợ nhiều phụ nữ các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc. Trong đó, tập trung vào các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... với các nội dung hỗ trợ về nâng cao kiến thức khởi nghiệp, kỹ năng quản lý kinh doanh, phát triển ý tưởng kinh doanh khả thi... Qua 5 năm triển khai, Dự án đã tổ chức 25 khóa tập huấn tại 18 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, thu hút hơn 1.500 đơn đăng ký và khoảng 900 học viên được lựa chọn tham gia tập huấn. Từ các khóa tập huấn trên, nhiều học viên đã xây dựng, phát triển thành công ý tưởng khởi nghiệp, nâng cao thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong đó có chị Vi Thị Phương, dân tộc Nùng, xóm La Giang, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, với mô hình trồng chè đồi theo hướng hữu cơ. Khởi nghiệp từ trồng chè sạch, sau khi tham gia Dự án, định hướng sản xuất, kinh doanh của chị Phương đã thay đổi hoàn toàn theo hướng thân thiện với môi trường, phù hợp xu thế canh tác xanh tất yếu của tương lai. Hiện, sản phẩm của gia đình chị Vi Thị Phương đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.

Gắn bó với cây chè từ thuở nhỏ, chị Phương luôn ấp ủ mong muốn sẽ đưa ra thị trường sản phẩm chè sạch, an toàn, chất lượng. Do đó chị đã dày công nghiên cứu ra chế phẩm sinh học mới với các nguyên liệu từ tự nhiên. Trước đây gia đình chị Phương cũng như nhiều hộ dân trong vùng chủ yếu sản xuất chè theo cách thức truyền thống, sử dụng phân vô cơ và các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh hóa học.

Để có cách thức làm chè mới, chị Phương đã tham gia các khóa học về kỹ thuật sản xuất chế phẩm sinh học. Tháng 5-2022, chị may mắn được tham gia lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ vi sinh trong trồng trọt do Trung tâm Hoa kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ), Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức. Tại đây, chị được tiếp cận phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, bền vững, phát huy tài nguyên bản địa. Từ những kiến thức đã học, chị kiên trì từng bước áp dụng trên diện tích chè của gia đình. Chị đã nghĩ ra cách trồng xen canh chè và chuối. Khi chè lên tán, chị sẽ phá toàn bộ diện tích cây chuối, như vậy vừa có tác dụng giữ ẩm cho đất giúp cho chè phát triển, vừa không cần làm cỏ.

Ngoài việc phun trực tiếp trên cây chè để ngăn ngừa sâu bệnh có hại, chế phẩm sinh học mà chị Phương làm ra còn được trộn cùng phân bón hữu cơ trong quá trình ủ rồi bón cho cây. Nhờ đó, vừa giúp cây chè phát triển tốt, tăng sản lượng, vừa giúp cho bộ rễ cây chè được khỏe mạnh.

Theo chị Phương, để làm ra loại chế phẩm sinh học này mất khoảng 10 – 15 ngày ủ men vi sinh. Hiện chị đã sản xuất ra 4 loại chế phẩm sinh học khác nhau từ men vi sinh gốc như: Sử dụng tỏi ớt để làm thuốc trừ sâu sinh học, thuốc kích rễ; ngâm cây chùm ngây để phun lên tán chè giúp điều dưỡng cho búp chè; kali chuối, đỗ tương phun cho cây chè giúp tạo độ ngậy, độ béo và hương thơm cho chè; NPK tổng hợp có sự kết hợp của đỗ tương, trứng gà, xương, cơm nguội, thức ăn thừa.

Sau 3 tháng áp dụng phương pháp canh tác này, chị thấy chất lượng chè thay đổi rõ rệt. Lá chè xanh, dày hơn, nước chè có vị ngọt, thơm, đậm, năng suất tăng lên 2kg-5kg/sào tùy từng lứa.

Chị Phương chia sẻ kinh nghiệm làm chế phẩm sinh học và chăm sóc chè

Để thuận lợi cho việc hỗ trợ và giúp đỡ bà con cùng nhau sản xuất chè, vừa qua chị Phương đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xóm La Giang với tất cả 17 thành viên. Bà Hoàng Thị Tâm, thành viên tổ hợp tác sản xuất chè xóm La Giang cho biết: "Gia đình tôi làm chè đã nhiều năm nay. Trước đây gia đình chủ yếu bón phân hóa học cho cây chè nên chất lượng và sản lượng chè không được cao, giá trị sản phẩm chè thấp. Nhưng từ khi được chị Phương tư vấn cách thức sản xuất chế phẩm sinh học và sử dụng trên cây chè. Sau một thời gian sử dụng, gia đình nhận thấy cây chè phát triển nhanh, tốt, búp chè đẹp, lá chè bóng và mỡ, thời gian thu hoạch giữa các lứa chè ngắn hơn, chất lượng chè cao hơn hẳn. Khi bán ra thị trường, sản phẩm chè được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng hơn trước".

Chị Phương “7 không” đã trở thành tên gọi quen thuộc của mỗi người dân ở Quang Sơn. Ngay ở lối vào ngõ, chị cũng làm một chiếc cổng bằng tre, gỗ, có ghi nội dung cam kết chè Vi Phương “7 không”: Không hương liệu, không chất tạo màu, không chất bảo quản, không kích thích tăng trưởng, không phun trừ cỏ, không phun hoá học, không phân bón hóa học... Chị mong muốn trong thời gian tới sẽ lan tỏa sản phẩm ra thị trường cũng như công thức làm ra sản phẩm này đến nhiều người. Từ đó, giúp bà con sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Chị cũng ấp ủ ý tưởng thành lập hợp tác xã phát triển chè gắn với du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo du khách trong nước và cả khách quốc tế đến thăm quan trải nghiệm./.

Lê Nguyệt (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4083606