Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Phát triển làng nghề – Tạo việc làm bền vững cho lao động nông thôn

15-05-2025 10:10

Trong bối cảnh nhiều lao động nông thôn thiếu việc làm ổn định, các làng nghề truyền thống tại huyện Đồng Hỷ đang dần khẳng định vai trò là trụ cột kinh tế tại chỗ. Với 43 làng nghề và làng nghề truyền thống đang hoạt động không chỉ góp phần phát huy được những thế mạnh, tiềm năng của địa phương mà còn giúp cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện có việc làm, thu nhập ổn định.

Trong bối cảnh nhiều lao động nông thôn thiếu việc làm ổn định, các làng nghề truyền thống tại huyện Đồng Hỷ đang dần khẳng định vai trò là trụ cột kinh tế tại chỗ. Với 43 làng nghề và làng nghề truyền thống đang hoạt động không chỉ góp phần phát huy được những thế mạnh, tiềm năng của địa phương mà còn giúp cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện có việc làm, thu nhập ổn định.

Tại các xã như Minh Lập, Hòa Bình, Văn Hán, thị trấn Hóa Thượng, Sông Cầu…, nghề chè đã tồn tại hàng chục năm, gắn bó bền chặt với bao thế hệ. Dưới bàn tay khéo léo của người dân, những búp chè tươi xanh được chế biến thành các sản phẩm đặc trưng, mang đậm hương vị vùng trung du.

Một ngày mới bắt đầu trên những nương chè Trại Cài. Trong nắng sớm, hàng chục người dân thoăn thoắt hái chè, tiếng cười nói vang vọng cả một vùng đồi. Bà Lường Thị Hội, người dân làng nghề năm nay đã 73 tuổi nhưng vẫn miệt mài với nghề chè truyền thống. Bà Lường Thị Hội, xóm Trại Cài, xã Minh Lập cho biết: “Tôi còn sức khoẻ thì vẫn tham gia hái chè cùng con cháu. Giờ bà có hai người con tiếp tục theo nghề chè. Tôi chỉ mong các con, các cháu giữ được cây chè, giữ được nghề chè mãi mãi, vì đây là cây làm giàu của người dân nơi đây”.

Không chỉ là những người gìn giữ nghề, thế hệ trẻ tại Trại Cài còn đang tiếp nối, làm mới truyền thống bằng những cách làm chủ động, hiệu quả hơn. Chị Hoàng Thị Minh, xóm Trại Cài, xã Minh Lập chia sẻ: “Từ thời cha mẹ chúng tôi là công nhân Nông trường chè Sông Cầu, đến nay chúng tôi tiếp nối nghề chè và học hỏi thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn. Cây chè là nguồn sống của gia đình, cũng là cây kinh tế mũi nhọn của xã, nuôi sống bao thế hệ”.

Gia đình chị Minh hiện có hơn 4.000m² chè, mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn chè búp tươi. Với giá bán trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, thu nhập bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/năm – một con số đáng kể ở khu vực nông thôn.

Không cần phải rời làng, nhiều người dân Đồng Hỷ vẫn có công việc ổn định, thu nhập đều đặn ngay tại quê nhà. Vào vụ thu hoạch, hàng trăm lao động được huy động để hái chè, sao sấy, đóng gói. Mỗi cơ sở chế biến chè quy mô vừa có thể tạo việc làm cho từ 10–15 lao động, thu nhập hàng tháng từ 6–10 triệu đồng/người. Ông Đoàn Văn Chiến – Trưởng Ban Quản lý làng nghề chè truyền thống xóm Trại Cài, xã Minh Lập cho biết: “Làng nghề chè Trại Cài hiện có 127 hộ, với hơn 300 lao động đang tham gia sản xuất. Nhờ ứng dụng máy móc và cải tiến kỹ thuật chế biến, người dân làm nghề quanh năm. Thu nhập bình quân hiện đạt khoảng 70 triệu đồng/người/năm”.

Không chỉ tạo việc làm, các làng nghề truyền thống còn đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Nói về vấn đề này, ông Vũ Văn Mác, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: “Minh Lập là xã thuần nông, với cây chè giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế. Các làng nghề chè truyền thống không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn sản xuất ra các dòng sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững tại địa phương”.

Không chỉ có chè, Đồng Hỷ còn nổi tiếng với các làng nghề miến dong, hoa lan và nhiều ngành nghề truyền thống khác. Tính đến nay, toàn huyện có 43 làng nghề đang hoạt động, thu hút trên 8.600 lao động. Thu nhập bình quân của người dân trong các làng nghề đạt từ 4,5 đến 5,7 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu hằng năm từ các làng nghề lên tới trên 800 tỷ đồng.

Có thể nói, làng nghề truyền thống không chỉ là nơi “giữ hồn quê” mà còn là nơi tạo sinh kế bền vững cho người dân nông thôn. Khi người dân không còn phải rời quê đi làm ăn xa, khi những đồi chè vẫn xanh mướt theo năm tháng – đó chính là thành quả lớn nhất mà làng nghề mang lại.

Nguyễn Thơm, Hoàng Lưu (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4089943